Sáng 13/4 Tập đoàn Vingroup công bố đã sản xuất được máy thở không xâm nhập đầu tiên và đã chuyển đến Bộ Y tế.
Theo báo cáo về các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào chiều 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tập đoàn Vingroup báo cáo đã sản xuất được máy thở không xâm nhập đầu tiên và đã chuyển đến Bộ Y tế trong sáng nay. Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
1. Vingroup là 1 trong 3 đơn vị được cấp bản quyền sản xuất máy thở trong 90000 đăng ký
Hãng sản xuất thiết bị y tế Mỹ Medtronic đã xác nhận Vingroup, Foxcon và một doanh nghiệp ở Canada là những đơn vị đầu tiên được cấp bản quyền sản xuất máy thở, phục vụ chống đại dịch Covid – 19.
Trong một thông cáo phát đi ngày 8/4, hãng sản xuất thiết bị chăm sóc sức khoẻ và y tế hàng đầu của Mỹ – Medtronic, cho biết, đã có 3 doanh nghiệp trên thế giới chính thức được cấp bản quyền sản xuất máy thở, bao gồm: Tập đoàn Vingroup của Việt Nam, Foxconn của Đài Loan và Baylis Medical của Canada.
Đây là 3 doanh nghiệp nhận được cái gật đầu của “ông lớn” Medtronic, trên tổng số 90.000 đơn đăng kí được gửi về từ khắp nơi trên thế giới.
Vượt qua 90.000 đơn đăng kí, Vingroup chính thức trở thành 1 trong 3 đơn vị được cấp bản quyền sản xuất máy thở trên thế giới
Ngày 30/3, Medtronic đã ra thông báo sẽ cung cấp miễn phí các thông số kĩ thuật thiết kế máy trợ thở xâm nhập Puritan Bennett 560 (PB 560) cho doanh nghiệp nào muốn sản xuất.
Đồng thời, mã nguồn phần mềm của máy cũng được cung cấp miễn phí kèm theo.
Hướng dẫn sử dụng, tài liệu thiết kế, tài liệu sản xuất và các bản vẽ kĩ thuật hiện đã có sẵn tại website của Medtronic. Doanh nghiệp sẽ đăng kí để được nhận bản quyền sản xuất chính thức.
“Từ nhiều tuần qua, chúng tôi đã đẩy mạnh việc sản xuất máy thở Puritan Bennett 980. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng mình còn có thể làm được nhiều hơn thế. Bằng cách chia sẻ thông tin thiết kế của PB 560. Chúng tôi hi vọng rằng sản xuất máy thở trên toàn cầu sẽ tăng, chúng ta sẽ đủ nguồn lực cho cuộc chiến chống Covid – 19”, ông Bob White – Chủ tịch Tập đoàn Medtronic chia sẻ.
Rất nhanh chóng 3 ngày sau đó, Tập đoàn Vingroup của Việt Nam tuyên bố họ đã kí kết hợp đồng bản quyền với hãng Medtronic của Mỹ, để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Dự kiến với công suất của các nhà máy VinFast và VinSmart, Vingroup có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng.
2. Tập đoàn Vingroup sản xuất thành công máy thở đầu tiên
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến nửa cuối tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Tập đoàn này đang chuẩn bị tích cực, phối hợp với công ty của Mỹ để triển khai thực hiện.
Báo cáo về vấn đề hậu cần chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký hợp đồng mua 46,15 triệu chiếc khẩu trang y tế; 268.500 khẩu trang N95 (đã cấp cho các đơn vị 25.800 cái), 174.300 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 1-2, 90.000 bộ trang phục chống dịch cấp độ 3-4 (đã cấp cho các đơn vị 2.200 bộ).
Ban chỉ đạo khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang kháng nước, kháng khuẩn 870 phục vụ xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Đối với khẩu trang y tế, giao Bộ Y tế rà soát, thống kê năng lực sản xuất và nhu cầu xuất khẩu theo hướng khuyến khích xuất khẩu khẩu trang y tế sau khi đảm bảo mua đủ số lượng cho tình huống dịch đã được phê duyệt, trên cơ sở đó đề xuất với Thủ tướng sửa đổi Nghị quyết số 20. Bộ Công an và Bộ Y tế làm rõ việc găm hàng khẩu trang y tế để xuất khẩu.
“Bộ Y tế đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị quyết 20/NQ-CP cho phép xuất khẩu khẩu trang cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, xuất khẩu cho các nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.
3. Chiếc máy thở đầu tiên do Vingroup sản xuất có gì đặc biệt?
Chỉ sau một ngày đêm các đơn vị đã tìm được rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ thiết kế và các thông tin cần thiết để có thể bắt đầu triển khai. Ngay sau đó Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập PB 560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở Không Xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng
Việc cung ứng được chia thành 2 nhóm: Nhóm các linh kiện có thể mua được trên thị trường và nhóm các linh kiện Vingroup phải tự chế tạo, hoặc hợp tác/hỗ trợ các đối tác chế tạo do công suất sản xuất của họ đã hết. “Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất”- Bà Lê Thị Thu Thủy- Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ.
Dự kiến các lô linh kiện của Máy thở Không Xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của Máy thở Xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.
Theo Vingroup, các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng.
Trước mắt, Vingroup sẽ tặng Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.
“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở Không Xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch”- Ông Nguyễn Việt Quang Tổng giám đốc Vingroup cho biết. “Ngoài ra với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 Máy thở Không Xâm nhập và 10.000 Máy thở Xâm nhập mỗi tháng, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên Thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu – số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”.
Máy thở không xâm nhập (NIPPV) là máy thở hỗ trợ bệnh nhân thở mà không cần phải mở nội khí quản, bản chất là chiếc quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân, khi đó bệnh nhân chỉ cần một động tác nhẹ đã có thể hít vào và đỡ tốn sức (loại CPAP).
Thở máy không xâm nhập (NIPPV – Noninvasive Positive Pressure Ventilation) là phương thức thở mà bệnh nhân thở tự nhiên nhưng bị áp đặt một áp lực dương liên tục (CPAP) hay áp lực dương hai mức (BiPAP) trong suốt chu kỳ hô hấp.
Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động được và tránh được phải dùng mode thở xâm lấn mà gây nhiều biến chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Máy thở xâm nhập là hình thức thông khí nhân tạo qua nội khí quản hoặc canun mở khí quản, phương thức thông khí xâm nhập trong đó bệnh nhân thở máy với thể tích lưu thông được đặt trước, tần số thở theo tần số tự thở của bệnh nhân.
Máy thở xâm nhập được chỉ định trong hầu hết các suy hô hấp cấp, trừ các trường hợp cần thông khí theo phương thức giảm thông khí phế nang điều khiển.
Ngoài ra, máy còn được sử dụng khi bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước, do hít…