Việc phân chia các mẫu xe ô tô theo phân khúc nào có thể tùy thuộc theo tính năng, kích thước hoặc dung tích xy lanh. Trên thị trường thế giới các dòng xe thường có sự phân chia rạch ròi từng phân khúc xe dựa theo kích thước tổng thể và không áp dụng dựa trên yếu tố thương hiệu hay giá bán.
Tuy nhiên điều này làm cho những người mua xe ở thị trường Việt Nam cảm thấy mơ hồ. Bởi hầu hết những người sử dụng xe ở Việt Nam căn cứ và giá bán và thương hiệu để lựa chọn xe ô tô khi mua, nhất là những người mới mua xe ô tô lần đầu. Những người mua xe sẽ so sánh giá cả và thương hiệu hay kích thước để chọn mua xe ô tô, đặc biệt nhiều người có nhu cầu mua xe mức giá thấp sẽ quan tâm phân khúc xe ô tô giá rẻ. Hoặc căn cứ vào nhu cầu sử dụng như mẫu xe nhỏ dùng gia đình, xe bán tải dùng vận chuyển hàng hóa… mà quên đi mất là nhiều mẫu xe có kích thước khá tương đồng nhưng nằm ở những phân khúc khác nhau. Vì vậy VinFast Online xin phép được thống kê những cách phân loại, phân khúc xe thường được sử dụng ở Việt Nam để mọi người có cái nhìn rõ nhất về mục đích để thuận tiện cho việc chọn xe tốt nhất !
1. Phân loại, phân khúc xe oto theo công dụng
- Xe con (xe du lịch): xe 5 chỗ, xe 7 chỗ, xe 9 chỗ, xe 16 chỗ.
- Xe khách: loại 25 chỗ, 50 chỗ, xe giường nằm…
- Xe bán tải: loại chở 2-4 chỗ, cùng hàng hóa
- Xe tải (chở hàng): xe tải nhỏ, xe tải lớn
- Xe chuyên dùng: xe chở rác, xe cẩu, xe trộn bê tông,..
2. Phân loại, phân khúc xe oto theo kích thước
Đây là cách phân loại dựa vào kích cỡ xe (cũng được sử dụng ở Mỹ)
- Hạng xe nhỏ (Mini)
- Hạng xe nhỏ gọn (Compact)
- Hạng xe trung (Midsize)
- Hạng xe lớn (Large)
3. Phân loại, phân khúc xe oto theo loại nhiên liệu sử dụng
- Xe sử dụng động cơ xăng
- Xe sử dụng động cơ diesel
- Xe sử dụng động cơ điện
- Xe sử dụng xăng kết hợp với điện (Hybrid)
4. Phân loại, phân khúc xe oto theo số chỗ ngồi (ô tô con)
- Xe 2 chỗ
- Xe 4-5 chỗ
- Xe 7 chỗ
- Xe 12; 15 chỗ..
5. Cách phân loại, phân khúc xe oto theo kết cấu thân xe
Theo cách này, bạn có thể thấy người ta chia thành các dòng xe như sau:
- Hatchback
- SUV – xe thể thao đa dụng
- Crossover – xe lai đa dụng
- MPV – dòng xe đa dụng
- Coupe – dòng xe thể thao
- Convertible – dòng xe mui trần
- Pickup – dòng xe bán tải
- Limousine – dòng xe sang
5.1. Mini hay còn gọi là Hatchback
Hatchback là một kiểu thân xe ô tô gồm 2 khoang: khoang động cơ phía trước và khoang hành khách và hành lý chung phía sau. Loại xe này có thể có 3 hoặc 5 cửa trong đó có 1 cửa phía sau để tiện cho việc cất vào hay lấy hành lý ra. Trong tiếng Anh, “hatch” nghĩa là cửa sập, còn “back” nghĩa là phía sau. Hatchback và liftback chia sẻ nhiều điểm chung với station wagon. Nhưng hatchback khác với station wagon ở chỗ nóc khoang sau thường (nhưng không nhất định) chỉ được đỡ bằng ba hàng trụ (station wagon có 4 hàng trụ đỡ) và cuối nóc khoang sau thường vát xuống.
Kiểu thân xe hatchback xuất hiện lần đầu vào thập niên 1930, nhưng chính thức được xếp loại vào năm 1970.
Tiêu biểu cho dòng xe này là xe Fadil của VinFast, KIA Morning, Chevrolet Spark vốn rất phổ biến tại Việt Nam.
Đây là dòng xe phù hợp với những người mới biết lái xe, những người thường xuyên di chuyển trong những khu phố chật hẹp. Dòng xe này cũng phù hợp với những ai dùng làm phương tiện để đi làm hằng ngày và cuối tuần đưa cả gia đình đi chơi ở vùng ngoại ô thành phố.
Ưu và nhược điểm của dòng xe Hatchback
- Ưu điểm: dễ điểu khiển, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cơ bản, dễ tìm được chỗ đỗ trong các bãi xe chật hẹp…
- Khuyết điểm: do yếu tố giá xe hatchback rẻ nên thường được trang bị những động cơ tuy đủ dùng trong thành phố nhưng thường bị yếu thế khi di chuyển trên đường quốc lộ cũng như cao tốc, không gian chứa đồ cũng bị hạn chế rất nhiều trong những chuyến đi xa dài ngày…
5.2. Sedan, xe du lịch 4 chỗ
Sedan là một loại xe chở khách mà thân xe đại thể chia làm ba khoang: khoang động cơ, khoang hành khách và khoang hành lý. Ở Anh, người ta gọi loại xe này là xe saloon, Đức gọi là xe Limousine. Khoang hành khách thường gồm hai dãy ghế. Khoang động cơ thường ở phía trước. Còn khoang hành lý thường ở phía sau. Cũng có một số xe sedan mà khoang động cơ lại ở phía sau như Renault Dauphine, Tatra T613, Volkswagen Type 3 và Chevrolet Corvair. Sedan là loại thân xe khách phổ biến nhất.
Đây là phân khúc xe rất phổ biến, trong đó, các dòng xe sang tại Việt Nam hầu hết đều có kiểu dáng Sedan nổi bật. Tiêu biểu cho những dòng xe này có thể kể như Lux A 2.0 của VinFast, Toyota Camry, Honda Accord, BMW 5-series, Mercedes E-classes…
Dòng xe này phù hợp với những doanh nhân, những người làm kinh doanh, hoặc đơn giản là một gia đình trẻ 2 bố mẹ và 2 con. Trong dòng xe này còn phân loại ra nhiều hạng khác nhau như hạng C, hạng D, hạng sang, dòng xe tính năng cao,… tùy theo khả năng tài chính và mong muốn của người mua.
Ưu và nhược điểm của xe Sedan
- Ưu điểm: dòng xe này tương đối thoải mái về thiết kế nên đa phần là khá rộng rãi, được trang bị những option đa dạng từ phổ thông đến cao cấp tùy theo nhu cầu của người dùng…
- Khuyết điểm: Giá xe Sedan thông thường tương đối cao, tình trạng đường xá ở Việt Nam cũng không tốt nên chúng ta cũng phải đi lại tương đối cẩn trọng, ở những đường có nhiều mấp mô thỉnh thoảng sẽ gặp tình trạng cạ gầm, đi nhanh có thể bị sụp gầm, chi phí sửa chữa tương đối lớn…
5.3. Coupe hay còn gọi là Sport Car
Coupe 2 chỗ
Coupe là mẫu xe mui kín với phần mái kéo dài xuống tận đuôi mang lại cảm giác thể thao kết hợp với thiết kế 2 cửa, 2 chỗ ngồi, không có trụ B, thường sử dụng động cơ công suất lớn, khoang cabin nhỏ và chiều dài xe ngắn hơn biến thể sedan (nếu có). Định nghĩa về xe coupe có mặt từ rất sớm nhưng ban đầu chủ yếu để ám chỉ xe 2 cửa, 2 chỗ ngồi.
Ở Việt Nam, chúng ta hãy gọi là dòng xe 2 cửa. Dòng xe này còn tương đối hiếm ở VN, một phần nhu cầu của người dân chưa nhiều, một phần các hãng sản xuất cũng chưa mạnh dạn đầu tư thu hút khách hàng cho dòng xe này. Một số sản phẩm được bán ở VN như: Huyndai Genesis, Toyota 86, Subaru BRZ, BMW 4-coupe, Mercedes E-coupe…
Coupe 4 chỗ
Trong khi đó, một trường hợp có lẽ gây tranh cãi nhiều chính là cụm từ ‘coupe 4 cửa’. Trong những năm gần đây, thuật ngữ này ngày càng được sử dụng nhiều hơn, cùng với đó là sự mâu thuẫn trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Bởi theo nhiều người, coupe là những chiếc xe 2 cửa với phần mui thuôn dốc ở phía sau. Vậy thuật ngữ coupe 4 cửa bắt nguồn từ đâu và khi nào?
Nếu lục lại lịch sử thì coupe 4 cửa không phải là một cái gì đó mới mẻ. Bởi vào năm 1962, thương hiệu Rover của Anh đã dùng cụm từ này để mô tả về chiếc P5 thế hệ thứ hai của mình. Về sau, thế hệ thứ ba của chiếc Nissan Leopard (1992) cũng có thể được coi là một mẫu coupe 4 cửa. Nhưng trong giai đoạn này, nó không phải là một xu thế và tưởng như đã chìm vào quên lãng. Phải đến tận năm 2004 khi Mercedes-Benz trình làng CLS-Class, kiểu thiết kế này mới bắt đầu lan tỏa thực sự. Khi ấy, phần mui sau của chiếc sedan E-Class đã được điều chỉnh để trở nên thuôn dốc hơn.
Và câu chuyện thú vị bắt đầu từ đây khi người ta cho rằng coupe 4 cửa chỉ là một công cụ marketing thay vì là một phong cách thiết kế riêng biệt. Bởi lẽ, Mercedes-Benz được cho là đã dùng cụm từ này để nói về sản phẩm mới của mình thay vì fastback – một thiết kế xe hơi với sự tương đồng ở phần mui thuôn dốc về phía sau. Với cách tiếp cận này, khoang sau của CLS sẽ bị thu hẹp không gian hơn so với E-Class sedan. Nhưng bù lại, nó lại cho thấy một kiểu dáng nuột nà, lôi cuốn và mang hơi hướng thể thao.
Dòng xe này phù hợp với các bạn trẻ còn độc thân, hoặc gia đình có con nhỏ. Cũng giống dòng sedan, dòng xe này cũng được phân loại từ phổ thông đến cao cấp, tính năng cao, mui trần…
Ưu và nhược điểm của xe Coupe
- Ưu điểm: giúp người sở hữu gây được sự chú ý khi di chuyển trên phố, do sở hữu dáng xe có tính năng khí động học tốt, hệ thống lái nhanh nhạy hơn so với các dòng khác nên xe thường có độ tăng tốc khá tốt khi di chuyển trên quốc lộ hay cao tốc…
- Khuyết điểm: Cũng giống dòng sedan, dòng này thường có thiết kế gầm xe khá thấp, dễ bị cạ và đụng gầm. Hàng ghế sau thường chật và ra vào khá bất tiện. Giá xe Coupe ở VN còn khá cao, khách hàng khó có thể tiếp cận được những chiếc xe quyến rũ này…
5.4. SUV hay Crossover
SUV 5 chỗ
Xe thể thao đa dụng, hay xe SUV (viết tắt từ tiếng Anh Sport Utility Vehicle) là một loại xe gia đình với khung xe là khung xe tải nhẹ. Loại xe này rất được chuộng bắt đầu từ Mỹ và sau đó lan truyền qua châu Âu và các nước khác.
Người tiêu dùng ưa chuộng xe SUV bởi : Xe cao, đi được nhiều địa hình phức tạp, không gian bên trong rộng rãi nên chở được nhiều người và vật dụng, dáng xe chắc chắn giống xe 2 cầu (4X4), khối lượng xe lớn tạo cảm giác an toàn.
Nhiều xe thể thao đa dụng là xe 2 cầu. Song, lưu ý là không phải mọi xe 2 cầu đều là xe thể thao đa dụng.
Trong những năm gần đây, người Việt Nam cũng dần quen với dòng xe này. Những sản phẩm được chú ý ở Việt Nam như: Lux SA 2.0, Honda CRV, Mazda CX-5, Mercedes GLK, BMW X3, Audi Q5…
Dòng xe này phù hợp với các bạn trẻ có sở thích đi du lịch, do sở hữu không gian chứa đồ lớn, nội thất rộng rãi thoải mái. Dòng xe SUV này cũng có thể được dùng như một chiếc xe cho nhiều mục đích sử dụng. Ngoài ra do sở hữu khoảng sáng gầm xe lớn nên cũng rất thoải mái di chuyển vào những lúc trời mưa hay triều cường khiến đường ngập nước.
Ưu và nhược điểm của xe SUV
- Ưu điểm: đa dụng thích hợp nhiều loại địa hình và mục đích sử dụng, không gian chứa đồ lớn, nội thất rộng rãi,…
- Khuyết điểm: chưa có nhiều lựa chọn, đa phần các dòng xe này giá còn tương đối cao, chi phí bảo dưỡng bảo hiểm vì thế cũng cao…
SUV 7 chỗ
Dòng xe này có rất nhiều nhãn hiệu từ phổ thông đến cao cấp, lắp ráp CKD đến nhập khẩu. Tiêu biểu cho dòng xe này ở Việt Nam là Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Kia Sorento…
Dòng xe này phù hợp với nhiều mục đích sử dụng và nhiều loại địa hình do sở hữu gầm cao và nhiều xe có thiết kế 2 cầu. Gia đình đông người cũng có thể lựa chọn dòng xe này, tuy nhiên vì đặc tính thiết kế nên không được thoải mái như dòng MPV hay Minivan.
- Ưu điểm: Là xe thể thao đa dụng nên tương đối phù hợp khi di chuyển trên mọi địa hình đường phố ở Việt Nam. Nội thất tương đối rộng rãi. Có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng…
- Khuyết điểm: lượng tiêu hao nhiên liệu với dòng xe này tương đối lớn. Kích thước của chúng cũng khá lớn ở một vài nhãn hiệu cao cấp, khó di chuyển trên phố đông người…
Ngày nay, do nhu cầu của thị trường một số hãng xe còn thiết kế ra nhiều kiểu xe lai giữa các dòng xe với nhau.
5.5. MPV hay Minivan
MPV là tên viết tắt từ cụm từ – Multi Purpose Vehicle, được hiểu là dòng ô tô đa dụng. Xe MPV được thiết kế rộng rãi với nhiều chức năng, đặc biệt có thể chuyển đổi giữa việc chở người và chở hàng hóa thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau.
Kiểu dáng của phần lớn các mẫu xe MPV không thực sự cầu kỳ, mạnh mẽ, thể thao với các đường nét khí động học như các mẫu Sedan, SUV hay Crossover… mà được thiết kế mềm mại, đơn giãn và chú trọng vào không gian nội thất. Đúng như tên gọi, ưu điểm lớn nhất của dòng xe MPV là tính đa dụng, không gian nội thất rộng rãi có thể chở được nhiều người và hàng hoá.
Đây là dòng xe khá phổ biến tại Việt Nam. Tiêu biểu cho dòng xe này là Toyota Innova, ngoài ra còn một số nhãn hiệu khác như: Kia Rondo, Hyundai Starex, Toyota Sienna, Toyota Previa, Honda Odyssey…
Dòng xe này đặc biệt phù hợp với gia đình có đông người, hoặc làm xe công vụ cho các công ty doanh nghiệp. Hiện tại thị trường cũng không có nhiều sự lựa chọn lắm cho phân khúc này do Toyota Innova đã làm chủ thị thường và thống lĩnh trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên nếu ai có điều kiện tài chính tốt thì những dòng xe nhập khẩu như Toyota Sienna hay Honda Odyssey là những sự lựa chọn tuyệt vời.
Ưu và nhược điểm của xe MPV
- Ưu điểm: Khoang hành khách của những dòng xe này cực kỳ rộng rãi, do được thiết kế để chở từ 7 – 9 người, nên những lúc cần thiết có thể gập hết hàng ghế lại để chở hàng cũng là sự lựa chọn mà nhiều người nghĩ đến khi lựa chọn dòng xe này. Dòng xe này cũng có nhiều lựa chọn từ phổ thông cho đến cao cấp. Ngoài ra ở những hạng xe nhập khẩu cao cấp, người dùng cũng có thể lựa chọn cho mình những option đa dạng tùy theo mục đích sử dụng…
- Khuyết điểm: tương đối nhàm chán khi sử dụng dòng xe này, và vì là dòng xe gia đình nên thường có thiết kế trung tính, những ai thích sự nổi bật, thích thể hiện mình thì đây không phải là dòng xe phù hợp…
5.6. Pickup hay xe bán tải
Xe bán tải hay Pickup truck là mẫu xe tải nhỏ có một cabin kín và một thùng hàng phía sau phục vụ cả hai nhu cầu chở khách và chở hàng, kết cấu khung sườn của xe khá giống SUV cỡ lớn với động cơ mạnh mẽ, có khả năng vượt địa hình tốt nhưng sức kéo và chịu tải tốt hơn xe đa dụng.
Dòng xe này khoảng 3 năm trở lại đây là một phân khúc mới, khiến các hãng sản xuất cạnh tranh khốc liệt để dành thị phần và đương nhiên người tiêu dùng được hưởng lợi khi có rất nhiều sự lựa chọn. Có thể kể ra như: Ford Ranger, Mazda BT-50, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Nissan Navara NP300, Chevrolet Colorado…
Dòng xe này ban đầu dành cho các khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nội thị, nhưng do chính sách về thuế nên ngày càng thu hút người dùng cá nhân. Các hãng sản xuất cũng từng bước đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình để hướng đến nhiều khách hàng hơn.
Ưu và nhược điểm của Pickup hay xe bán tải
- Ưu điểm: mặc dù là xe bán tải nhưng có thể được di chuyển như xe du lịch trên đường, không bị cấm như xe tải vào giờ cao điểm, thuế trước bạ thấp hơn xe du lịch, Giá xe hiện tại tương đối rẻ, nhiều sự lựa chọn và do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất nên người tiêu dùng được rất nhiều ưu đãi…
- Khuyết điểm: kích thước của xe lớn hơn xe du lịch nên di chuyển trên những con đường nội thị có đôi chút vất vả. Do là dòng xe bán tải nên bị hạn chế về năm lưu hành…
6. Phân hạng các phân khúc xe ô tô
Cách này dựa theo tiêu chuẩn của châu Âu, phân loại xe căn cứ vào chiều dài và kích thước xe. Ở Việt Nam, là nói về phân hạng các phân khúc xe hạng B, hạng C,.. khi giới thiệu hay đánh giá một mẫu xe nào đó, tuy nhiên sự khác nhau giữa các phân khúc cũng không được rạch ròi và cũng không có tài liệu định nghĩa chính xác về mỗi phân khúc. Về tổng quan chúng ta có cách phân hạng các phân khúc xe ô tô bằng ký hiệu chữ cái như sau:
- Phân khúc hạng A (Mini Class Vehicles – Daewoo Matiz, Kia Morning,..)
- Phân khúc hạng B (Small Class Vehicles – Ford Fiesta, Hyundai i20, Toyota Yaris,..)
- Phân khúc hạng C (Sub-Medium Class Vehicles – Ford Focus, Honda Civic, Kia Forte, Chevrolet Cruze,..)
- Phân khúc hạng D (Top-Middle Class Vehicles – Ford Mondeo, Toyota Camry, Honda Accord,..)
- Phân khúc hạng E (Upper Class Vehicles – Mercedes E-Class, BMW Serie 5, Audi A6,..)
- Phân khúc hạng F (Luxury Class Vehicles – Mercedes S-Class, BMW Serie 7, Audi A8,..)
- Phân khúc hạng M (Multi Purpose Cars – MPC / MPV – Toyota Innova, Mitsubishi Grandis,..)
- Phân khúc hạng J (Crossover Utility Vehicle / Sport Utility Vehicle – Ford Escape, Toyota Land Cruiser,..)
- Phân khúc hạng S (Super Luxury Vehicle)
6.1. Phân khúc A – Xe cỡ nhỏ (mini car)
Phân khúc A bao gồm các dòng xe mini, xe gia đình cỡ nhỏ ( xe nội thị – city cars ): xe mini thường có dung tích khoảng dưới 1 lít với 2 chỗ ngồi; trong khi đó xe nội thị được trang bị động cơ từ 1-1,25 lít, chiều dài cơ sở khoảng 2,400 mm, có tốc độ nhanh hơn và thuận tiện hơn xe mini.
Phân khúc xe này có đặc điểm nhỏ gọn, giá thành dễ chịu, có thể di chuyển linh hoạt trong điều kiện giao thông phức tạp, trật trội ở các thành phố lớn. Bởi thế, đây là dòng xe rất được ưu ái đối với những người mua xe lần đầu, đặc biệt là chị em phụ nữ, hoặc những gia đình có ý định mua xe lần 2.
Các dòng xe phân khúc A được ưu chuộng ở Việt Nam hiện nay: Kia Morning, Fiat 500, Huyndai i10, Chevrolet Spark Duo, Toyota Aygo,…
6.2. Phân khúc B – Xe cỡ gia đình cỡ nhỏ (small cars)
Các dòng xe hạng B thường được trang bị động cơ 1,4 – 1,6 nên vẫn có thể đạt vận tốc cao, chiều dài cơ sở 2,500-2,600 mm và chiều dài tối đa khoảng từ 144 -165 inch ( 3,658 – 4191 mm): đối với dòng hatchback là 3,900 mm, trong khi đó các dòng sedan có thể dài tối đa khoảng 4,200 mm. Xe được thiết kế với 3, 4 hoặc 5 cửa, 4 ghế và có thể đăng kí chở 5 người.
Đây cũng là mẫu xe rất được ưa chuộng dành cho những người mới mua xe lần đầu do giá thành mềm, ít tiêu hao nhiên liệu, dễ lái và ổn định hơn xe mini hay các khách hàng trẻ tuổi, thời trang, yêu thích sự năng động và thể thao, đặc biệt là phái nữ.
Các dòng xe phân khúc B được ưu chuộng ở thị trường Việt Nam hiện nay: Ford Fiesta, Huyndai i20, Toyota Vios, Toyota Yaris,…
6.3. Phân khúc C – Xe bình dân cỡ trung (medium cars)
Ở phân khúc này, xe được trang bị động cơ từ 1,4 – 2,2 và tối đa có thể đạt đến 2,5, chiều dài cơ sở khoảng 2,700 mm và chiều dài tối đa có thể 4,250 với dòng hatchback và 4,500 với dòng sedan. Xe được thiết kế đủ chỗ cho 5 người lớn.
Đây là phân khúc xe được ưa chuộng nhất thế giới do độ “vừa đủ”, thích hợp trên mọi phương diện, từ giá thành, cho đến kích thước và nhu cầu tham gia giao thông từ xa lộ, nội thành hay đường nông thôn.
Các dòng xe được ưa chuộng nhất phân khúc C: Toyota Coralla Altis, Kia Cerato, Honda Civic, Mazda3, Chevrolet Cruze,….
6.4. Phân khúc D – Xe bình dân cỡ lớn (large cars)
Xe phân khúc D có 5 chỗ ngồi cùng khoang hành lí rộng, dung tích động cơ từ 2 – 3,5, có chiều dài cơ sở vào khoảng 2,800 mm và chiều dài tối đa thay đổi tùy theo khu vực: dài hơn 4,700 mm đối với khu vực châu Âu và 4,800 mm đối với khu vực Bắc Mĩ và Trung Đông và Australia.
Đây là mẫu được ưa chuộng bởi các khách hàng là danh nhân thành đạt.
Các dòng xe phân khúc D được ưa chuộng ở Việt Nam: Mazda 6, Toyota Camry, Ford Mondeo, KIA K5, Honda Accord, …
6.5. Phân khúc E – Xe hạng sang (executive cars)
Đây được xem là phân khúc xe hạng sang trên thị trường nhiều nước. Những xe phân khúc này thường có đủ 5 chỗ ngồi cho người lớn; trên thực tế loại xe này có kích thước tương tự phân khúc C, nhưng không ai có thê so sánh các dòng xe hạng C với các dòng xe đẳng cấp thương hiệu khác hẳn như Mercedes, Audi…; được thiết kế với khoang xe rộng rãi, nội thất sang trọng; bao gồm các dòng sedan, wagons, hatchback.
Khách hàng chủ yếu của phân khúc xe này thường là những người có thu nhập cao, doanh nhân thành đạt, ngôi sao giới giải trí,…
Một số dòng xe tiêu biểu của phân khúc E: Lux A 2.0, Audi A4, Mercedes C-class, BMW series 3,…
6.6. Phân khúc F – Xe hạng sang cỡ lớn (full-size luxury cars)
Được sản xuất cùng các hãng với các phân khúc E, song các dòng xe thuộc phân khúc F có kích thước lớn hơn, được trang bị động cơ, tiện nghi đẳng cấp và đầy đủ hơn rất nhiều.
Các dòng xe phân khúc F tiêu biểu như: Audi A6, Mercedes E-class, BMW series 5 hay Jaguar XF
Bên cạnh đó, cùng được xếp vào phân khúc F, còn có những “đàn anh” thường được gọi là các “hạng sang cao cấp” với kích thước dài hơn, động cơ với 6, 8 hoặc 12 xi-lanh và trang bị tốt hơn xe sang hạng trung. Những mẫu xe này được sản xuất dựa trên dây chuyền cao cấp nhất với số lượng có hạn. Tất cả mọi trang thiết bị, công nghệ tốt nhất điều được lắp đặt.
Góp mặt trong danh mục “hạng sang cao cấp” này không ai khác ngoài các đàn anh như: Lexus LS, BMW 7-Series, Mercedes-Benz S-Class, Audi A8, Aston Martin Rapidem,…
6.7. Phân khúc S – Xe coupe thể thao (sports coupes)
Bao gồm các dòng xe coupes thể thao, grand tourer (thể thao hạng sang với kiểu coupe 2 cửa, 2 ghế phía trước + 2 ghế nhỏ hơn phía sau), xe “cơ bắp” ( muscle car), xe mui trần, roadster (mui trần 2 chỗ) và siêu xe.
Các dòng xe phân khúc S nổi tiếng nhất có thể kể đến Coupe Lamborghini Aventador, Porsche 911, Ferrari 458 Italia, Lamborghini Gallardo, BMW i8, Chevrolet Camaro,…
6.8. Phân khúc M – Xe gia đình đa dụng (multi purpose cars)
Phân khúc M bao gồm các dòng xe gia đình đa dụng, có chỗ ngồi từ 8 – 11 người. Ưu điểm nổi bật: rất tiện lợi, rộng rãi, thích hợp với các đối tượng khách hàng gồm những gia đình đông, có sở thích du lịch, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hay những công ti dịch vụ nhằm đem đến cảm giác êm ái, thoải mái cho hành khách.
Các dòng xe phổ biến trong phân khúc xe này như: Honda Odyssey, Toyota Sienna, Suzuki Ertiga,….
6.9. Phân khúc J – Xe thể thao đa dụng (sport-utility cars)
Một phân khúc xe đa dạng, gồm nhiều chủng loại từ bình dân đến cao cấp. Được thiết kế hình khối, mang cảm giác cứng cáp, gầm xe rộng rãi cùng tính năng việt dã cao, kết hợp tính năng dẫn động 2 chiều, chắc chắn đây là phân khúc xe được những khách hàng yêu thích cảm giác phiêu lưu cùng những chuyến phiêu lưu ưu ái và lựa chọn.
Các dòng cỡ lớn ( Full-size SUVs ) như Mazda CX9, xe cỡ trung như Chevrolet Captiva, Toyota Fotuner,… hay các dòng xe thể thao Crossover như Kia Sportage, Hyundai Tucson…
Thị trường xe hơi tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung rất đa dạng các mẫu mã các loại xe ô tô với những thiết kế và trang bị tiện ích khác nhau. Hy vọng qua bài viết của VinFast Online bước đầu này sẽ giúp mọi người đang tìm hiểu về ô tô có những cách phân biệt các loại ô tô cơ bản để mọi người hiểu hơn về chiếc xe mình đang cầm láy hoặc chuẩn bị mua có phù hợp với mục đích sử dụng cá nhân hay gia đình hay tổ chức của mình hay không. Chúc các bạn có sự lựa chọn xe oto phù hợp cho cá nhân và gia đình hoặc tổ chức.